-TÔI-

Hôm nay đi ăn bánh mì xíu mại trên đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt.
Gặp cô chủ người Quảng Nam, đội nón lá vừa múc xíu mại vừa ngân nga theo mấy câu bolero. Bưng xong, cổ bonus thêm 1 chén bò luộc hay gì và bảo là rất ngon. Xong trong lúc cởi mở tấm lòng, cổ kể chuyện đời cô lựu của cổ cho hai đứa nghe.
Khá đẫm lệ.
Tự dưng, mình cũng chạnh lòng nên thôi kể nốt chuyện đời thằng bạn thân của mình.
Đó là MÌNH.
…
Cách đây 37 năm, nó được sinh ra ở một cái bệnh viện quê nghèo. Nó không được ba nó đón về. Nghe má nó kể lại là vì ba nó muốn có một đứa con gái chứ không cần thêm một thằng đực rựa.
Ngày nó được đẻ ra, may mắn là bà nội nó luôn túc trực và chăm sóc cho con dâu và nó. Ba nó thì đi đâu không biết.
Nó lớn lên trong nghèo khó. Cái khó, cái khổ đeo bám gia đình nó, một gia đình đông con ở làng quê Nam Bộ.
Nó là thằng thứ 6 trong nhà 7 người con. 6 Trai và 1 gái.

Thời đó, ba má nó có chiếc ghe to to để đi buôn gạo, trái cây chở đi miệt Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu để bán rồi lấy gạo ở đó về bán.
Lênh đênh trên sông nước, nhiều khi cả tháng mới về.
Nó thì được chị Ba chăm sóc từ miếng cơm, manh áo. Ngày ngày, nó được cho ăn cơm với canh làm bằng nước cơm (nấu cơm bằng nồi, dùng củi đun, cơm sôi, phải canh chừng để chắt nước ra khỏi nồi, nếu không sẽ thành cháo), bỏ thêm chút muối, bột ngọt, thêm vài cọng hành. Lâu lâu thì có canh rau cải trời nấu với tép hay thịt.
Vậy mà, thời đó, lên mâm cơm, mấy anh em húp lấy húp để, vét sạch nồi cơm 5-6 lon gạo.
Ngày ba má nó đi ghe về, là những ngày huy hoàng trong thời thơ ấu của nó, và của cả gia đình nó.
Mâm cơm có thêm khô cá lóc, hay mắm cá sặc, hay thịt heo. Mâm cơm rơm rả tiếng cười.
Ba nó là một người nổi tiếng rượu chè. Những ngày không đi ghe, ổng nhậu từ sáng đến sáng hơm sau.
Mỗi lần ổng nhậu về, không ai dám hó hé.
Ba nó cũng nổi tiếng là vũ phu. Ngày đó, nó vẫn còn nhớ, nó và má nó đang đu đưa trên võng với thằng em. Ba nó bước vào, dằn mâm sán chén, vì ở nhà không ai nấu nước để trong bình. Ông vung cái tay, gạt cái thau to vật vã từ trên gạt-măng-ghê xuống xém trúng đầu má và em nó. Nó thì ốm yếu nhưng nhanh nhẹn nên chạy cái vèo ra khỏi võng, tông thẳng ra cái vách làm lợp bằng lá dừa nước, chạy một mạch qua nhà cô 7, không dám về.

Ba nó cũng nổi tiếng là người đánh con cái. Ngày xưa, nó là cái đứa ít bị ăn đòn nhứt. Anh tư là cái thằng lì đòn nhất nhà.
Từ nhỏ, nó đã thích chơi với đàn bà con gái. Cái xóm chút éc, mà toàn là đàn bà con gái. Nhà nó là nhà đông con trai nhất. Mà nó không hề thích chơi với các anh của nó.
Đi học về, nó phụ chị ba dọn dẹp, giặt đồ, nấu cơm. Xong là nó mang tập vở qua nhà bác ba hay cô bảy chơi với mấy bà chị.
Chuyện này chuyện kia, nó đều kể cho mấy bả nghe. Nên vô lớp, dù nó nhỏ con nhất lớp, nó luôn được làm lớp trưởng hay ban cán sự trong lớp cái sự già đời của nó.
Lên lớp 6, nó gặp một anh hàng xóm, chắc bằng tuổi anh thứ 4 của nó.
Lúc đó, nó cũng đương tuổi dậy thì. Rồi cái khoảnh khắc đầu tiên của nó, nó bị hắn sờ mó trong lúc tát mương bắt cá ở nhà bác Ba. Nó thấy thích thích, sợ sợ.
Rồi trong xóm, mọi người hay cợt nhã, gọi nó “bóng”. Nó cũng thấy bình thường. Nó thường bị mấy anh con trai trong xóm lúc xỉn đè ra “khám cu”.
Nó ghét lắm mà không dám phản kháng. Một bữa, nó bị mấy thằng đó sờ sờ, nó nằm im cho tụi nó sờ, xong nó chồm tay với lấy cái chai xá xị Chương Dương đập vào đầu thằng đó, chảy máu rồi nó bỏ chạy.
Tối hôm đó, nó bị ba nó đánh vì dám hành hung người khác. Nó im không một lời phân trần.
Má nó, đứng trong bếp, vừa nấu cơm vừa dụi dụi mắt.
Tuổi thơ của nó gắn liền với Bolero, nhạc lính dù ba nó là đặc công binh thuỷ.
Nó hát mọi lúc mọi nơi.
Ngày nó đi thi đại học, nó khóc với cô bảy kế bên nhà vì không có tiền. Cô dúi cho 300 ngàn và nói “đi mua cái chữ đi mày!”
Rồi rớt nguyện vọng 1, nó đứng chết lặng khi cầm tờ giấy kêu đi làm hồ sơ nguyện vọng 2.

Nó báo cho gia đình. Cả nhà im lặng.
Nó chỉ biết cúi đầu, cầm con dao phay rất to, ra vườn, mần cỏ, chặt củi từ sáng đến tối mới chịu vô nhà.
Nó vừa làm vừa khóc. Tay nó ứa máu, đầy vết bầm và chai. Nó có bao giờ đụng đến những việc nặng nhọc này đâu. Nó lao vào đi mần thuê cho hàng xóm. Từ việc phát cỏ, múc sình ở dưới ao lên bón cây, đến hái chôm chôm, cắt cành nhãn trong suốt 3 tháng trời để có tiền luyện thi đại học.

Ngày đi luyện thi, nó rón rén đến bên ba nó, thỏ thẻ, “thưa ba con đi!”. Ba nó lúc đó mắc nhậu nên gật gật.
Nhà không có lấy chiếc xe, cô bảy một lần nữa cho nó 1 chiếc xe đạp không có thắng, không dè, không có yên sau. Nó chật vật đạp chiếc xe đẹp độc lạ này gần 3 tháng trời trong tự hào, hân hoan vì tin rằng, mình phải thoát khỏi cái cảnh này, thoát khỏi vùng quê u tối này.
Và lâu lâu nó về, nó vẫn lén lút gặp người đàn ông đó, như một thói quen.
Ngày nó biết kết quả đậu đại học, má nó mừng như trúng được vàng, ôm nó khóc. Nó biết má nó khóc điểu gì.
Ba nó thì im lặng.
Nó mừng.
Nó chạy ùm vô nhà cô Bảy, hét to con làm được rồi Bảy ơi!
Mấy chị vui lắm.
Được vài phút, nó thỏ thẻ “giờ tiền đâu học, Bảy!”
Uhm, mày theo chị Châu (con cô 7), lên đó nhập học đi. Mày được miễn 4 năm học phí mà. Chỉ lo tiền ăn & ở thôi. Năm đầu xin nhà một ít, chị Châu ở trển, có gì thì kêu chỉ lo cho một ít! Mọi thứ sẽ ổn thôi con!”
Ngày bước lên xe đò khăn gói lên Saigon, má dúi vào tay 900 ngàn trước sự chứng kiến của ba nó. Ba nó mặt vẫn lạnh nhưng thoáng nét buồn. Chị dâu của nó kéo tay, nhét vào túi 300 ngàn mỉm cười bảo “Ân lo học nha. Có gì thì gọi về cho hai!”
Lên Saigon, nó học như một mọt sách. Không dám xài hoang phí một cắc.
4 năm đại học với nó là chuỗi ngày nhọc nhằn, đầy nước mắt. Nói gọi điện về nhà, nó khóc với má nó. Chứ không dám nói chuyện với ba nó.

Hình ảnh mà má nó dúi tất cả tiền có được cho nó, và hình ảnh ba nó khệ nên bưng 20kg gạo lên xe cho nó đi Sài Gòn, hình ảnh chị Hai ôm nó, nói là thôi đừng xin tiền má nữa, xuống đây, Hai đưa. Hay hình ảnh thằng em út nó gọi điện từ Bình Chánh nói mày đang ở đâu, tao mới lãnh lương, tao đưa tiền cho mày xài tháng này. Mình bỡ ngỡ, nó nói tao nghỉ học 1 năm, đi làm ở cty xây dựng thi công billboard ở Bình Chánh kiếm tiền lo cho nhà với mày. Mày tốt nghiệp rồi tao đi học lại.
Đó là những hình ảnh ám ảnh nó cho tới bây giờ.

Rồi cái ngày nó từ Saigon về, khóc thúc thích với má nó “Con thích con trai!”
Má nó cười cười. Không nói gì. Rồi má quay lưng quẹt quẹt, xong nói, thôi mày nghỉ ngơi đi, tao đi nấu cơm. Đêm đó, nó ôm má cả đêm.
Rồi nó lại lên SaiGon. Ba nó gọi lên. Ba nó từ nó.

Nó chỉ biết nói với ba nó 1 câu “dạ thưa ba, con sẽ không về nhà nữa. Ba má giữ gìn sức khoẻ. Nhưng con nghĩ là con không có tội tình gì để phải bị như vậy. Con của ba sẽ sống tốt! Khi nào ba nhớ con, ba gọi con sẽ về!”
Một năm sau, má nó gọi kêu về. Nó bướng, nó nhất quyết không về.
Mấy ngày sau, có số lạ gọi.
- Alo, thằng Ân hả?
- Dạ, xin lỗi ai vậy?
- Tao nè?
- Dạ….Ba hả?
- ….
- Ba khoẻ không ba? Còn nhậu nhiều hông ba?
- Tuần sau đám giỗ bác Tư…
- Dạ, con có gửi tiền cho má mua đồ…
- …Mày thu xếp về….Ba nhớ mày…
- Dạ, con về!
Rồi ba nó cúp máy. Nó nhìn lên bầu trời buổi chiều đó, nước mắt rưng rưng.
Bữa đó về. Cơm nước đàng hoàng. Má nó ghé vào tai “Ba mày nói mày lên nhà trên nói chuyện!”
Hai ba con ngồi đối diện nhau, nó lễ phép rót trà. Ba nó khoát tay, nói để tao rót, mày ngồi xuống đi.
Hơi bối rối, lo lắng.
Ba ấm áp, nói
“Dạo này mày sống sao. Khoẻ không?
Ra đời bao lâu, thấy vất vả không?
Tao vẫn nghe má nói về mày….
Làm gì làm, miễn mày cảm thấy vui & hạnh phúc là được!
Ra đời, bon chen, dù chuyện gì đi nữa, mày vẫn là con tao!”
Nó im lặng, uống ngụm nước chính tay ba nó rót, đứng dậy, cúi đầu cảm ơn bá nó “Dạ, con cảm ơn Ba!”
Mấy năm sau, nó mua được căn nhà, nhỏ như cái lỗ mũi. Ngày ăn tân gia, cả nhà bao luôn chiếc xe 16 chổ lên chơi. Ba nó ôm nó, vỗ vai, tự hào lắm.

Nó ra ngoài xã hội, vấp váp nhiều, cũng may mắn gặp hầu hết là người tốt. Nó kể với ba má nó về họ. má Phúc, má Bé, ba Hòanh Anh, Chị An Phương, chị Lan, chị Châu, Anh Long, chị Uyên, chị Thảo….con Mỹ, con Tâm, con Vy….đến nỗi mà mỗi lần về, má nó lại kêu nó gọi điện để tao nói chuyện cảm ơn họ.
Nó dù có là gì đi nữa, về đến nhà, nó là một đứa con bé bỏng, ốm yếu, gầy nhom cần một vòng tay che chở của ổng bả.
Cho đến bây giờ, nó cũng đi gần nửa đời người rồi. Nó cũng khóc cười nhìu rồi, cũng chưa viên mãn gì nhiều.
Nó thấy nó may mắn, và biết ơn cuộc đời này.
Nó không thấy hận ba nó tại sao bỏ nó trong bệnh viện.
Nó không thấy thù hằn gì người đàn ông từng quấy rối nó.
Nó không ghét bỏ đám đàn ông từng sờ soạn nó.
Nó không thấy tủi thân khi cởi chiếc xe đạp cà tàng trong khi bạn nó lên đời Cup/Honda.

Nó không cảm thấy cảm giác trả thù những người từng dùng nó để đi lên.
Đơn giản, nó thấy nó cần biết ơn cuộc đời này.
Đơn giản, nó biết thế nào là giá trị của một con người khi bước ngang cuộc đời nó.
Đơn giản, nó cần cảm ơn.
Cảm ơn những gì phía sau lưng nó.
Không có những ngày bão giông thì nó khó có thể yêu thương những ngày nắng đẹp phía trước.
….
Dalat, 31/10/2020
Ân – người bạn Tằng rất quý và nể phục…. ngắn gọn dzậy thui đó Ân… from Tằng Tằng
LikeLiked by 1 person
cảm ơn Tằng Tằng. From andy with love
LikeLike