Moutain, Hill, Climbing

Những hương vị hài hòa, đẹp đẽ

“Một chuyến đi chóng vánh. Đu đưa trên chuyến xe Sài Gòn Đà Lạt. Với những con người thú vị. Gặp gỡ những con người tử tế, những câu chuyện rất tử tế, trong một không gian hết sức nồng ấm.”

Những câu chuyện dưới hiên nhà đầy tiếng mưa. 

Chiếc taxi di chuyển đến một bờ tường màu đỏ rực. Mình và chị Ngôn ngơ ngác nhìn nhau, không biết có nên xuống xe không vì cánh cổng đóng im lìm. Xuống mà không phải thì chắc ăn cám vì trời đang mưa rả rích mà Đà Lạt mưa thì bắt xe cũng là cực hình.

Bấm bụng, bước xuống, mở cửa! Ố quào, một cảm giác hơi choáng ngợp so với cái bức tường đỏ rực ngoài kia. 

“Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”

Một không gian ấm cúng, thắp sáng bởi màu đỏ, xanh và trắng đục (thực ra không biết chính xác là màu trắng gì:)). 

Một cảm xúc rất lạ dâng trào!

Một con chim phượng hoàng đang chễm chệ bên góc tường. Chiếc đuôi dài chấm đất. Đôi cánh dang rộng. Dũng mãnh. Đẹp đẽ. Sang trọng. Quyền uy. Đỏ rực.

Bước vào bên trong, những không gian thể nghiệm ngập tràn màu sắc văn hoá. Lân la qua từng góc phòng, từng tác phẩm kiến trúc của các bé được trưng bày, từng ánh mắt hân hoan rạng ngời.

Lắng nghe cô gái say sưa kể về những cảm hứng văn hóa Chăm trong từng đường nét kiến trúc ở Anaar

Giờ mới phát hiện tên là Anaar. Những đường nét vuông tròn, những tấm phên đan lát thủ công, hài hoà, vững chãi, vừa cứng cáp, vừa quá đỗi mềm mại.

Thiện, Yến, Thảo, Ty, chị Ngôn, Hưng & Tài

Cô gái nhỏ nhắn, hoạt ngôn chính là em Yến, chủ nhà hàng Aami. Aami là nhà hàng nằm trong Anaar

Mình hơi ấn tượng cái tên nên hỏi vì sao lại có một biểu tượng chim phượng hoàng ngoài sân. Anaar, có nghĩa là trái lựu & màu đỏ. 

Đặc biệt có một cây lựu cạnh chim phượng hoàng. Lại thêm một câu thơ “Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông” (Nguyễn Du).

Mình mê mẩn ngắm nhìn chim phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn. 

Mình cũng mê luôn văn hoá Chăm và vẫn còn nhớ một lời hứa với anh KTS Tùng về “Văn hoá của những cục gạch” trong chuyến đi tháng trước. 

Gặp em Thiện (Jalon Nguyễn), người nghiên cứu và chế tác ra tác phẩm chim phượng hoàng. Một cô gái nhỏ nhắn, e thẹn. Một nguồn năng lượng đúng với cái tên của em. Năng lượng thiện lành. Nụ cười ấm áp, ánh mắt sáng bừng khi kể về quá trình sáng tạo ra tác phẩm đầy sức sống này. Rất tự hào, ngưỡng mộ em!

Buổi tối thú vị với talkshow của Hưng & đồng nghiệp dưới mưa. Lâu lắm mới nghe bản lead một câu chuyện về nghề của bản.

Dù không hiểu lắm nhưng cũng biết thêm về kiến trúc, cách nhìn nhận về thời gian, đặc biệt là thời gian của Newton và thời gian của Einstein & cách chúng ta sử dụng chúng trong cuộc sống vội vã này. Chúng ta nên tận hưởng thời gian tương đối hay chạy đua với từng giây phút tích tắc của kim đồng hồ để rời khỏi văn phòng, rời khỏi những áp lực hay đơn giản là rời khỏi cuộc sống này.

Cô gái nhỏ chở chuyên giá trị di sản Đà Lạt

Cầm trên tay quyển Art Book “DALAT Heritage”, Elise Châu say sưa kể về hành trình biến cái không thể thành cái có thể.

Từng trang của quyển sách, gợi một cảm xúc khó tả. Lạnh của những giọt sương sớm bên hồ đâu đó ở núi rừng Đà Lạt; ấm áp của những ánh lửa trong đêm trên một rẻo cao nào đó của Đà Lạt; sắc màu bình yên bên vệt nắng đầu ngày bên hồ Xuân Hương; mùi gỉ sét, mùi hoàng gia, và cả những thân phận của cỏ cây, hoa lá, của đại ngàn. Tất cả ngưng tụ lại, kết tinh lại trên từng trang giấy mỏng manh, được những con người tử tế góp tay ghi lại cho một di sản Đà Lạt đượm tình. 

“Những con người đẹp đẽ nhất mà chúng ta biết đều là những con người đã nếm mùi thất bại, đã chịu đựng khổ đau, đã trải qua những trận chiến, đã nhận lấy mất mát và đã tìm được con đường của mình để vượt qua chốn vực thẳm. Những con người ấy đem trong mình sự trân trọng, sự nhạy bén và sự thấu hiểu về cuộc đời, thứ đã rót đầy họ với lòng cảm thông, tính dịu dàng và sự quan tâm sâu sắc tới người khác. Những con người đẹp đẽ chẳng bao giờ tự nhiên mà sinh ra.” (Elisabeth Kubler – Ross)

Không quên cảm ơn em Bình, anh Lý Hoàng Long đã nâng niu cho từng cung bậc hình ảnh đầy sức sống, đầy chất thơ cho một di sản Đà Lạt. 

Cô gái kia đẹp như lá hành nghiêng 

Say sưa nghe em thuyết trình về một dự án với mong muốn mang văn hoá của bà con dân tộc thiểu số đến với đại chúng, cảm nhận được tâm huyết của em. 

“Em thực sự mong bà con có thể đến tại đây, nói với chúng ta bằng chính tiếng nói của họ, chính tay họ dệt thành một tấm thổ cẩm, một chiếc gùi cho chúng ta thấy bao nhọc nhằn nhưng đầy hãnh diện!”

Từng giọt nước mắt em rơi trên từng câu chuyện chính bản thân em trải nghiệm.

“Rừng còn, thì dân còn”; “không biết mấy mươi năm nữa, đại ngàn còn không?” là tiếng lòng đau đáu của những con người mong muốn những giá trị di sản có thể tồn tại và ít bị mai một nhất theo thời gian. 

Một dự án đầy ý nghĩa nhân văn, em ạ!

“…Nếu em đã theo anh về, mình cùng xây dựng ngày mai…”

Dự đám cưới của hai em “Tiên Tiến” trong một khung cảnh đẹp, hài hoà, giản dị như chính con người hai em.

Mỉm cười thật bình yên khi dõi theo những nụ cười, ánh mắt, lắng nghe tiếng vỗ tay, tiếng lách tách của than, tiếng cụng ly hân hoan. 

Nghĩ thầm, ừ thì cũng đến lúc nghĩ về một đám cưới rồi, Ân nhỉ?

Say rồi, làm thêm một ly vang nữa đi!

“Mình lại hẹn nhau vào một buổi sáng bình yên ở Đà Lạt…”

Một Đà Lạt luôn đẹp trong tôi.

Nơi cất giấu quá nhiều cái thơ, cái duyên, cái mượt mà, cái mênh mông.

Và hơn hết, là cái tình. 

Của những con người tử tế, bên những cái ôm tử tế, và những việc làm tử tế.

Cùng nhau.

Trân trọng, tri ân, và cảm phục.

Sài Gòn, 21.11.2022

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s