Bà Sáu, là vợ của ông Sáu. Ông Sáu là ba của tui.
Ở quê, người ta hay gọi là ba má chứ không phải ba mẹ. Ba mẹ là cách xưng hô của người miền Bắc thì phải. Đáng lẽ ra phải gọi là Tía Má mới đúng.
Mà cả nhà 7 người con đều gọi là ba má.
Bà Sáu không cao. Lùn nữa là khác. Nhưng bà Sáu gánh trên vai cả một vận mệnh của quốc gia nhà ông Sáu.
Cơm, áo, gạo tiền, con cái và tỉ ti thứ khác đều do một tay bà Sáu quán xuyến.
Cả tuổi thanh xuân, bà hi sinh cho cách mệnh nước nhà với vai trò là cô du kích nhỏ, rồi chuyển sang làm cô dân công tải đạn, tải thực phẩm nuôi chồng, cha, anh đi làm nghĩa vụ quốc gia.
Rồi qua tuổi thanh xuân, bà Sáu lại quay về hi sinh cho chồng, cho con.
Ngày đó, nhà nghèo rớt mồng tơi, mà nhiều khi không có mồng tơi để mà rớt.
Giải phóng, nhà nước cấp nhà hai ba mặt tiền ở tỉnh, ông Sáu bàn với bà Sáu mình có biết mẹ gì buôn bán, ở đây, cạp xi măng mà ăn à? Thế là ổng bả xin về làng để trồng ngô, trồng khoai, trồng cây ăn trái với hai trái tim vàng thấp sáng bởi ngọn đuốc cách mạng.

Rồi từng đứa lũ lượt chui ra, nheo nhóc, đánh bay đi sự hồn nhiên “trời sinh voi sinh cỏ” của ổng bả.
Rồi lao vào cuộc sống mưu sinh chật vật, rầy đây mai đó trên chiếc ghe buôn bán. Ai bây giờ ở Saigon có thể ra bên Bình Đông thì sẽ cảm nhận được chính xác cuộc sống “trôi nổi” của ông sáu bà Sáu thời đó.
Ngày nào mà nghe tiếng máy dầu của ổng bả nổ ngoài kinh, là cả nhà nhào nhào như ông vỡ tổ, chạy ra mừng như gặp được vàng. Những ngày đó là huy hoàng của đám trẻ đói khát. Cả về cơm gạo, lẫn tình thương. Ổng bả nhiều khi đi biệt xứ hai ba tháng mới về. Anh chị em phải tự nương tựa vào nhau. Có đêm, thằng Lộc, đứa em út, khát đòi sữa, chị ba phải đi vo gạo nấu cơm rồi chắt cái nước ra, khuấy thêm miếng sữa bò, miếng đường bỏ vào cái bình, đưa cho nó bú. Bú xong, nó lăn ra ngủ như chết.

Có đêm, má về nửa khuya, trời dông bão muốn banh cái nóc nhà lợp bằng mấy tấm lá dừa nước. Vừa đắp mềm cho mấy đứa còn, vừa dụi nhanh nước mắt.
Lúc đó, tôi còn nhỏ xíu, biết gì về chuyện cơm áo gạo tiền, giật mình nửa đêm khóc thét “Sao má bỏ tụi con đi quài dậy?”
Bả kí vào đầu, la ngủ đi, mai còn đi học!
Rồi tôi dụi dụi cái đầu toàn sẹo của ghẻ và sẹo của mấy trận quánh nhau của anh em khi ba má đi vắng với mấy thằng hàng xóm khi nó nói “ba má mày đi buôn lậu chứ đi bán gạo gì!”.

Tui kể cho má nghe trong nước mắt. Má không nói gì hết, vuốt má, nhìn xa xăm vào bóng đêm mưa quật, gió gào. Lát sau, má nói “có nhà buôn lậu mà ở khách sạn ngàn sao vậy không con?!”.
Má Sáu là bà tiên trong mắt anh em chúng tôi. Một bà tiên không có pháp thuật hô mưa gọi gió. Một bà tiên chấp nhận gánh trên vai mình sứ mệnh của một người phụ nữ người trần mắt thịt, cho con từng giọt sữa, miếng ăn, giấc ngủ.
Chấp nhận đi bên cạnh ông Sáu, khóc cười cùng ông Sáu, cùng ổng vượt qua trăm ngàn sống gió của chiến tranh, của cơm áo gạo tiền thời bình.

Tôi lớn lên trong sự bảo bọc của chị, thiếu thốn những cái ôm, cái hôn của má.
Mỗi lần bà Sáu đi ghe về, tôi và thằng Lộc (em út) hay giành nhau leo lên bụng má, lúc ấy má đang ngồi trên võng chải tóc, hay đang bắt chí (rận) cho chị ba. Rồi khóc um ra khi bị nó hất xuống đất vì thấp cổ bé họng, gầy trơ xương. Má bưng thằng Lộc qua một bên, rồi kéo tôi lại, phủi phủi, sau đó cũng đặt tôi qua bên kia. Gãi gãi đầu hai đứa. Miệng mĩm cười. Lúc đó, tui cứ nói với và “hay má ở nhà đi, mấy đứa con ăn khổ khổ chút, bỏ thêm chuối hay khoai mì nhiều hơn gạo cũng được, miễn là má ở nhà với tụi con đi. Chứ má đi, chị ba, anh hai cứ quýnh con quài hà…!”

Rồi lâu lâu, tôi nhìn thấy má nhanh tay kéo cái quần dài, dụi mắt.
Rồi nếp nhăn của má lớn dần theo cái tuổi biết ăn, biết học của bầy con 7 đứa.
Rồi dựng vợ, gả chồng cho mấy đứa con.
Tôi thấy thực sự nể phục bà Sáu khi bà dũng cảm nói chuyện với đứa con riêng của ba trong ngày cưới của ảnh “dì 8 biết chuyện này mấy chục năm trước rồi. Ai làm gì làm, dì không chấp. Nhưng theo tục lệ của gia đình này, con cái dựng vợ gả chồng đều được cho tài sản như nhau, bất kể con mày con tao!”. Rồi bà Sáu trao cho ảnh mấy chỉ vàng, một cọc tiền với một nụ cười hạnh phúc như đang trao một niềm tin mới cho đôi trẻ con ruột của mình.
Lâu lâu, khi về nhà, mình cũng hay thắc mắc vì sao má phải làm vậy.
Bả cười, không lẽ mày muốn tao đi đốt người ta? Mà người ta là ai mày biết không? Chị tao đó chứ ai! Rồi cũng xong mày ơi.
Rồi hai má con cúi mặt xuống lặt cho xong mớ rau để làm bữa tối cho cả nhà.
Tôi thích nắm tay bà Sáu. Sau mười mấy năm lên Saigon mưu sinh. Mỗi lần bà Sáu lên, hai má con hay nắm tay dun dăng dun dẻ đi bộ, rồi đi chợ.
Tôi nắm tay để cảm nhận niềm vui, niềm hạnh phúc của bà Sáu. Từng mạch máu của niềm hân hoan, từng nhịp đập của con tim hạnh phúc khu nhìn thấy đứa con gầy còm, ốm yếu ngày càng trưởng thành.
Đi qua đường, nhiều khi cũng ngại, bà Sáu lại rụt tay lại nhưng tôi vẫn hồn nhiên. Vì má là má của con. Con vẫn là đưa bé nhỏ xíu hay nằm trên bụng má. ngày xưa má dắt con qua cầu từng bước, sợ con té ngã. Giờ con dắt má qua đường với một niềm hãnh diện vô ngần.
Giọt nước mắt hạnh phúc của bả cứ lăn dài khi nhìn thấy lũ con trưởng thành, khôn lớn.

Ngày mà tôi nói với bà Sáu chuyện tôi chỉ thích con trai, bả giận lắm. Nhưng thực ra bả cũng biết từ lâu rồi.
Rồi hai má con ôm nhau khóc, xong rồi thôi. Tôi lên Saigon, người ở lại phải chịu trăm ngàn “đòn roi dư luận” là má. Ba dằn xé má như ngày nào. Má cũng không thể bênh vực tôi mãi, đôi khi cũng xiêu lòng với những lí lẽ đanh thép của ba.
Tôi bèn gọi cho bà, khuyên không cần phải nói vô nói ra với ba, hãy để con tự đối mặt.
Bà Sáu luôn âm thầm phía sau tôi.
Ngày mà ông Sáu gọi tôi về để hoá giải chuyện của hai ba con, bà Sáu đứng nép phía sau rèm, bất động.
Ngày tôi nói là con và Tú chia tay, bà Sáu cũng nửa buồn nữa vui.

Bà Sáu trở thành người bạn tâm sự cho chuyện đời buồn vui của tôi.
Lâu lâu, gọi video call lên, chỉ cần nhìn thấy mặt 5-7s rồi cúp máy, cũng thấy vui.
Rồi vẫn không bỏ thói quen đùm túm 800 thứ đồ ăn gửi lên sợ con mình chết đói như thời đại học.
Bà Sáu, hi sinh cho cái hạnh phúc nhỏ của mình từ thời bom đạn.
Bà Sáu, hi sinh cho chồng con không một lời than van.
Hạnh phúc của bả nhiều khi chỉ là một câu “alo, má hả, cuối tuần này con về!”
Hạnh phúc của bả nhỏ đến mức nhiều khi tôi lại xém quên.
Hạnh phúc của bả đôi khi chỉ là “Ân, ăn chưa, má hâm lại canh cho con” dù là đang trong giấc ngủ, giật mình thấy con trai đi làm về khuya.
Hạnh phúc của bả, đôi khi, dám lắm là nghe con trai nói “hay là con đi cưới vợ nha má!”
Hạnh phúc, đôi khi chỉ là cái ôm bất ngờ từ phía sau lưng khi bả đang lúi húi nấu cơm.

Bà Sáu, hơn cả một người mẹ. Bà Sáu còn là một người chị, người bạn gái tâm đầu ý hợp.
Viết cho người phụ nữ vĩ đại của gia đình ông Sáu Sậu.
Dalat, 08/11/2020